Nhận lời mời của Bộ môn Đường bộ, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục (Trường ĐH Xây dựng), PGS.TS Trần Thị Kim Đăng (Trường ĐH GTVT) đã có buổi giao lưu trao đổi chuyên môn cùng các giảng viên.
Giáo sư Nguyễn Xuân Trục (thứ 4 từ trái sang) và các GV bộ môn Đường bộ
– Tại buổi sinh hoạt chuyên môn ngày 04/6/2015, Giáo sư Trục đã đề cập đến vấn đề thoát nước trong thiết kế, xây dựng, khai thác công trình giao thông nói chung và đường bộ nói riêng. Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, thiết kế công trình giao thông cần chú ý xem xét đến yếu tố này, Giáo sư nhấn mạnh.
– Giáo sư Nguyễn Xuân Trục là chuyên gia đầu ngành Đường bộ tại Việt Nam. Giáo sư là tác giả của nhiều cuốn sách: Thiết kế đường ô tô, Quy hoạch Giao thông vận tải và thiết kế Công trình đô thị, Sổ tay thiết kế đường ô tô,… đây là tài liệu học tập và giảng dạy của nhiều thế hệ sinh viên và giảng viên ngành giao thông.
* Tổng quan những đề tài khoa học của chuyên ngành đường bộ đang được quan tâm nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã được PGS.TS Trần Thị Kim Đăng giới thiệu trong buổi giao lưu với bộ môn Đường bộ ngày 22/7/2015. Qua đó PGS Đăng đã gợi ý nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: tính toán thiết kế kết cấu áo đường, vấn đề thực nghiệm xác định ứng suất và biến dạng các lớp bê tông asphalt trong kết cấu áo đường thực tế khai thác.
PGS.TS Trần Thị Kim Đăng (thứ 2 từ trái sang)
– Theo PGS Đăng, thực nghiệm cho thấy việc lắp đặt thiết bị đo biến dạng vào kết cấu áo đường trong quá trình thi công là hoàn toàn khả thi. Vấn đề tiếp theo là thu các dữ liệu đo trong thực tế và các hướng nghiên cứu khai thác, ứng dụng bộ dữ liệu này.
– Bên cạnh đó, vấn đề hư hỏng mặt đường bê tông asphalt, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh; vấn đề an toàn giao thông, đánh giá hiệu quả khai thác thực tế của cầu vượt bằng thép tại TP HCM vừa xây dựng trong thời gian qua cũng được đưa ra thảo luận.
– Tiếp đó, ngày 02/8/2015, một số GV bộ môn cùng PGS Đăng đi khảo sát một số điểm đen giao thông tại TP HCM (ngã tư An Sương, đường Trường Chinh, ngã tư Phan Đăng Lưu với Phan Xích Long). Từ chuyến đi thực nghiệm này, một số ý tưởng nghiên cứu đã được hình thành.
– Giáo sư Nguyễn Xuân Trục và PGS Trần Thị Kim Đăng đã nhận lời hỗ trợ và giúp đỡ bộ môn trong các chương trình nghiên cứu khoa học. Những hướng nghiên cứu giữa PGS Đăng với ThS Huỳnh Thị Ánh Tuyết, ThS Phạm Phương Nam cũng được trao đổi khá chi tiết.
– Thời gian tới, bộ môn Đường bộ sẽ tiếp tục tăng cường sinh hoạt chuyên môn, giao lưu học thuật nhằm tạo sự hứng thú và động lực nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn của các GV.
Được biết, ThS Nguyễn Thị Thu Trà và ThS Trần Văn Phúc đã nhận được các học bổng làm Tiến sĩ tại Pháp và Hàn Quốc. Dự kiến trong tháng 8/2015 hai GV sẽ bắt đầu chương trình nghiên cứu của mình.
Bộ môn Đường bộ.